Nguyệt San Số 4


Kỷ niệm trong tôi
Tác giả: Dương Đại Trường
Thể loại: Ký sự   

  Phong trào Sài Gòn là cụm từ viết ngắn gọn của Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn do Linh Mục Nguyễn Hửu Lễ khởi xướng.Với tên Sài Gòn thôi, cũng đủ cho tôi bùi ngùi những hoài niệm của một thời thư sinh trong đời mình. Sài Gòn ngày xưa có những đường phố thơ mộng như: Duy Tân cây dài bóng mát với tà áo sinh viên bay căng trong những giờ tan học. Con đường Cường Để có Đại Học Văn Khoa chan chứa những ước mơ một thời của tuổi trẻ. Sài Gòn còn đó hình ảnh của bến Bạch Đằng, vườn Tao Đàn, Thảo Cầm Viên là những nơi hò hẹn yêu đương một thuở.! Mặc dù tôi không phải là thành viên của một Tổ Chức Đấu Tranh hay tín đồ của một Tôn Giáo, nhưng thóang nghe tên Sài Gòn cũng đủ cho tôi tình nguyện vào ban tổ chức buổi ra mắt Phong Trào Sài Gòn tại Adelaide ngày 16/9/2007 do chị Nam Dao làm trưởng ban..

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn


Đường Duy Tân trước 1975

Thật ra, tôi đã nghe danh tiếng nhiều về cha Lễ từ lâu, khi mà tôi có dịp đọc qua tác phẩm Tôi Phải Sống của Cha: Một tác phẩm có giá trị thời đại và lột trần được thực chất của chế độ CSVN đối với Tôn Giáo, với Tù Nhân..v..v.Nhưng văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình, mãi đến hôm nay tôi mới được gặp mặt cha Lễ trong lần ra mắt Phong Trào Sài Gòn tại Adelaide. Tôi nhớ trong buổi nói chuyện của cha tại hội trường Ba- Lan số 160 đường Grand Junction, với sự hiện diện của hơn 160 người tham dự.Tuy số người tham dự không được đông lắm, nhưng điểm nổi bật của ngày hôm đó là tất cả các đại diện Tôn Giáo, Hội đoàn, Đoàn thể, Tổ chức đấu tranh tại Nam Úc đều có mặt đầy đủ. Và như Cha nhận định thì ngày hôm ấy đã đạt được sự thành công nhất về mặt chất lượng.! Bởi vì từ Ban Tổ Chức cho đến thái độ của những người tham dự: Tất cả im lặng, theo dỏi và lắng nghe trình bày về Phong trào Sài Gòn, cũng như đặt những câu hỏi đóng góp ý kiến rất thiết thực. Đặc biệt hơn hết so với những nơi khác là tại Nam Úc, Phong Trào Sài Gòn đã được Nhạc sỉ Phan Văn Hưng sáng tác nhạc phẩm: Mãi Mãi Sài Gòn làm nhạc chủ đề cho phong Trào và soạn giả Sơn Hà sáng tác bài ca cổ nhạc : Xin Trả Lại Tên Sài Gòn, cả hai sẽ được chọn làm bài hát trong chương trình phát thanh hàng tuần sau nầy..Sau khi được xem qua những đoạn phim về diễn tiến họat động của phong trào, Kim Loan hát nhạc phẩm Trả Lại Ta Tên Gọi Sài Gòn của Nhật Tùng, do nhạc sĩ Phan văn Hưng đệm nhạc..Những hình ảnh trên slide show, giọng hát, lời nhạc, cách diễn đạt.. đã làm cho người dự thính bùi ngùi trong hoài niệm về quê hương xa xưa có hình ảnh nhà thờ Đức Bà gắn liền với tên gọi Sài Gòn thân thương trong lòng dân tộc Việt Nam.! Kế tiếp là phần trình bày của cha Lễ về nguyên do của sự hình thành Phong Trào và những thành công trong các lần ra mắt khắp nơi có người Việt cư ngụ. Cha Lễ cũng đã nhấn mạnh đến điểm chánh yếu của Phong Trào Sài Gòn là không phải thuộc hoạt động của một tổ chức Chính Trị hay khuynh hướng đấu tranh của Tôn Giáo; Chỉ đơn thuần là một Phong Trào của Dân Tộc, đòi lại những gì đã có thật trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Một điều mà tôi khó quên hôm ấy là khi anh Phan văn Hưng trình bày nhạc phẩm: Mãi Mãi Sài Gòn, do chính anh sáng tác. Nhìn xuống đồng hương, tôi thấy một không khí trang nghiêm lặng nghe và có những người cảm xúc rơi lệ trong nổi tiếc thương cho một mất mát tên gọi Sài Gòn!.
Buổi tối cùng ngày ra mắt Phong Trào, chúng tôi cũng đã tổ chức một bửa ăn tối với cha Lễ tại nhà hàng Junction Palace. Mặc dù có sự trùng hợp với một buổi lễ khác của đảng Việt Tân, nhưng được gần 80 người tham dự trong bửa ăn tâm tình nầy.Một kỹ niệm khó quên nhất của ngày hôm đó cũng là Sinh Nhật của tôi! Dù đã giử bí mật nhưng không hiểu sao anh Nguyễn văn Tây chủ tịch CQNQLVNCH/NU biết được, nên đang ngồi ăn tôi nghe bài chúc mừng sinh nhật hát lên từ bàn của mấy anh em CQN. Khi biết là chúc mừng sinh nhật cho tôi, cha Lễ cầm micro nói trách:
- Sao anh không cho tôi biết để có món quà chúc mừng Sinh Nhật anh?.
Tôi vội đáp nhanh:
- Món quà mà Cha cho con hôm nay rất quý, đó là cho con tìm lại tên gọi Sài Gòn.!
Có lẽ câu trả lời của tôi chí lý nên Cha chỉ nói:
- Tên gọi Sài Gòn là của lịch sử dân tộc Việt Nam, phải trả lại cho chúng ta.
Trong lúc vừa ăn vừa tâm tình với nhau , cha Lễ đi từng bàn nói lời cám ơn đến những người tham dự. Tối nay, cũng là một buổi tối mưa dầm và giá lạnh.! Tại nhà hàng nầy, cách đây mấy tháng trước, một bửa ăn tối với Bs Trần xuân Ninh, bên ngoài cũng giá lạnh và mưa dầm!..Tôi tự hỏi trong lòng: Phải chăng, những người dấn thân đấu tranh đi tìm Tự Do và Dân Chủ cho Dân tộc Việt Nam thường có chung trong gian khổ và mưa gió của dòng đời?!..
Sáng hôm sau, ngày 17/9/2007,tôi được cha Lễ nhờ hướng dẫn đi thăm bà con Việt Nam vùng Virginia. Điểm đầu tiên chúng tôi ghé qua là nông trại ông Tư Hoa, một trong những người Việt Nam đầu tiên làm nghề nông tại đây.Vừa xuống xe, Cha đã nhớ ra ngay là nơi đây, mấy năm trước đã có lần Cha ghé thăm qua, nhân chuyến đến Nam Úc giới thiệu tác phẩm, Tôi Phải Sống. Rời nông trại anh Tư Hoa, chúng tôi đến thăm trụ sở Phật Giáo Hòa Hảo tiểu bang Nam Úc. Ông Phùng Phương Duy, giáo hội trưởng GHPGHH liên bang tiếp đón chúng tôi và lên đèn cho Cha Lễ đốt nén hương viếng Đức Thầy. Tại đây, chúng tôi hướng dẫn Cha Lễ xem những nhà kính ( green houses ) đang thu hoạch dưa leo của anh Nghĩa, thành viên Tập Hợp Đồng Tâm và được anh mời vào nhà uống trà, chuyện trò với nhau khá lâu! Cha Lễ nhắc về những ngày tháng xưa khi còn làm cha xứ tại Bến Tre, Vỉnh Long..Sông nước Miền Tây Nam Bộ và tính chất phác, mộc mạc của người dân nơi đó đã hằn sâu trong lòng của Cha, ngủ vùi trong kỷ niệm êm đềm ngày xưa! Đã quá 12 giờ trưa nên tôi cảm thấy đói và đề nghị ghé vào nhà hàng Virginia dùng bửa. Mặc dù chỉ cách vài năm thôi, trở lại Virginia cha Lễ nhận ra nhiều thay đổi hẳn so với trước kia. Những khu nhà mới, những nông trại tân tiến trong hệ thống Thủy Canh đã nói lên sự phồn thịnh và phát triển của cư dân nơi đây rất nhanh mà đa số là Nông Gia Việt Nam chúng ta.. Chương trình kế tiếp của chúng tôi là ghé thăm chùa Pháp Âm.. Ngôi chùa nầy do phật tử trong cộng đồng Nông Gia Việt Nam quyên góp xây dựng lên. Dù thời gian xây dựng kéo dài do ngân sách thiếu hụt, nhưng hôm nay căn bản đã hoàn thành được tượng Phật Bà Quan Âm lộ thiên và phần chánh điện. Ngôi chùa nầy không có thầy chủ trì nên hiện tại do một phật tử lo hương khói hàng ngày. Cha Lễ trao tặng những tập sách nói về Phong Trào Sài Gòn cho người phật tử giử chùa như một kỹ niệm cho lần ghé thăm của Cha. Như dự tính, chúng tôi sẽ ghé thăm Thiền Trang Hỷ Xả, nhưng không có đủ thì giờ nên phải bỏ lở. Điểm sau cùng chúng tôi ghé thăm là nhà của nghệ sĩ Sơn Hà, tác giả của bài ca Cổ Nhạc : XinTrả Lại Tên Sài Gòn và nhờ anh thâu băng lại bài ca cho hoàn chỉnh hơn để đưa vào chương trình phát thanh của phong trào sau nầy. Một kỹ niệm khó quên của tôi khi đến nhà nghệ sĩ Sơn Hà là chúng tôi bị lạc đường và điện thọai nhiều lần để hỏi thăm anh chỉ lối.! Nhà của anh Sơn Hà ở Smith Field, phía Bắc Adelaide thuộc vùng nông trại nên hơi khó tìm và phải nhờ anh ra hướng dẫn đường! Chúng tôi ngồi chuyện trò ở nhà anh Sơn Hà rất lâu vì: Hợp cảnh hợp tình. Khung cảnh nhà anh giống như ở Việt Nam: Ngoài sân có trồng vài cây ăn trái, có chiếc vỏng treo đu đưa dưới tàng cây bóng mát, có tiếng gà gáy..Bên trong nhà bày biện đơn sơ với vài nhạc cụ treo tường: Đàn Kìm, đàn Tranh.. đúng là gia chủ có tâm hồn nghệ sĩ. .Trong khi chuyện trò và bàn về bài ca cổ mà nghệ si Thùy Duyên trình bày hôm buổi ra mắt Phong Trào, tôi thắc mắc hỏi Cha Lễ:
-Thưa Cha, vì sao Cha lại thích bài ca nầy ?
- Nói ra dài dòng lắm!
Ngừng giây lát, Cha Lễ tiếp:
- Nhắc đến Cổ Nhạc, tôi có nhiều kỷ niệm khi làm Cha xứ ở Vỉnh Long.Ngày tháng nơi đây tôi có quen với một người Mù và anh ta đã dạy cho tôi đàn Cổ Nhạc. Tôi biết đàn sáu câu, Bản vắn, Bản dài, Tây thi, Xuân tình…Khi đi sâu vào lảnh vực Cổ Nhạc tôi mới khám phá ra một điều là Cổ Nhạc thuộc về nhạc Dân Tộc, rất dể đi vào lòng người Việt Nam, nhất là dân miền Nam sống nơì vùng quê.Vì lẽ đó, tôi muốn đưa bài ca cổ Xin Trả Lại Tên Sài Gòn của anh Sơn Hà vào trong chương trình phát thanh sau nầy, nhằm để nhắc nhở tên gọi Sài Gòn cho đồng bào nơi quê nhà nhớ đến.. Gần 3 giờ chiều nên chúng tôi xin từ giả ra về cho cha Lễ nghĩ ngơi để đi dự bửa ăn tối do một nhân sỉ trong Cộng Đồng Việt Nam tại Nam Úc mời..
Lại một buổi tối cho tôi nhiều kỹ niệm: Buổi tối nơi nhà hàng The Feathers.Tôi được mời cùng dự ăn tối do một Nhân Sĩ đãi cha Lễ. Trong số những thân hửu được mời, ngoại trừ tôi, Kim Loan và Huỳnh Oanh ra, những người khác ít nhiều cũng đã và đang dấn thân trên con đường đấu tranh cho đất nước Việt Nam. Chúng tôi vừa ăn, vừa nhắc về kỹ niệm của mỗi người. Cha Lễ thì nhắc lại nhiều về tháng năm dài nơi ngục tù CSVN, bùi ngùi về vài người bạn tù bỏ xác nơi lưu đày, những buồn vui trên bước đường tranh đấu.!..Anh Phan Văn Hưng và chị Nam Dao thì nhắc lại thời gian còn là sinh viên tại kinh thành ánh sáng Paris; những ngày xưống đường đánh nhau với bọn sinh viên Cộng Sản, những bâng khuâng khi mất nước và ngậm ngùi khi nhắc đến anh Trần văn Bá; người bạn đã từng bên nhau đấu tranh chống CSVN trong những tháng năm tại Pháp.! Chị Mỹ Vân kể nhiều về kỹ niệm một thời làm chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Úc, những lần đi tiếp nhận thuyền nhân Việt Nam tại Darwin, nhất là kỷ niệm những ngày cuối cùng của VNCH với thân phận người sinh viên mất nước! Nghe Mỹ Vân kể lại, trong lòng tôi dâng lên những thán phục về chị. Thán phục nơi lòng trung thành của một người sinh viên VNCH không vì danh lợi mà phản bội lại chế độ đào tạo mình nên người,giống như một số người khác đã làm.. Trong bàn ăn Kim Loan và Tôi chỉ cười phụ họa mỗi khi thấm ý về một chuyện gì..Chúng tôi mãi ngồi trò chuyện cho đến khi nhà hàng sắp đóng cửa, chỉ còn lại bàn của chúng tôi. Thôi thì nuối tiếc làm sao được khi tiệc đã tàn.! Chúng tôi đành chào nhau tạm biệt.
Buổi ra mắt Phong Trào Sài Gòn tại Nam Úc đã ghi lại trong tôi nhiều kỹ niệm êm đềm, có dịp hiểu thêm về cha Lễ với những hy sinh cuộc đời mình cho Dân Tộc Việt Nam.Tôi không phải là thành viên của một đảng phái hay là một tín đồ của tôn giáo nào. Tôi chỉ là một người Úc gốc Việt còn trong lòng những hoài niệm về quê hương, về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, như cha Lễ đã nói trong tác phẩm Tôi Phải Sống :
- Trước khi làm Linh Mục, Tôi là người Việt Nam...